Yoga không chỉ là một môn luyện tập thể chất, đó là một hành trình toàn diện để khám phá bản thân và phát triển tinh thần. Trong Kinh Yoga của Patanjali, con đường tám nhánh được gọi là ashtanga (ashta=tám, anga=chi) đã vạch ra một con đường để đạt đến trạng thái ý thức cao nhất một cách có hệ thống. Từng nhánh trong 8 nhánh này không phải là những thực hành riêng biệt mà là những bước được xây dựng dựa trên nhau, theo từng bước.
Cùng mình đi hết bài viết này để tìm hiểu rõ hơn về yoga, để hiểu được mục đích cuối cũng yoga muốn hướng tới là gì nhé
1. Nhánh thứ nhất: Yama (Giới hạn đạo đức)
Yama là nhánh đầu tiên, là nền tảng của yoga, tập trung vào những thực hành về mặt đạo đức và cách chúng ta đối xử ra bên ngoài thế giới xung quanh. Trong Yama bao gồm 5 nguyên tắc: Ahimsa (không bạo lực), Satya (trung thực), Asteya (không trộm cắp), Brahmacharya (điều độ) và Aparigraha (không chiếm hữu).
• Ahimsa (Không sát sinh – Non-violence): Yama này thực hành việc không bạo lực, không sát sinh và có lòng từ bi đối với mọi chúng sinh. Nó không chỉ bao gồm việc không làm hại người khác bằng hành động, mà trong cả câu nói, tư tưởng và suy nghĩ. Ngoài ra, nó không chỉ giới hạn ở việc không sát sinh, bạo lực với con người mà còn cả với các sinh vật khác (động vật) cũng như chính bản thân bạn.
• Satya (Chân thật – Truthfulness): Trung thực trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Satya là Yama hướng tới sống một cuộc sống trung thực với thế giới xung quanh và bản thân. Khi bạn có thể nhìn nhận mọi thứ như bản chất của chúng, bạn có thể chấp nhận chúng như hiện tại, giúp bạn trải nghiệm cảm giác yêu bản thân và lòng trắc ẩn hơn đối với những người xung quanh.
Ngoài ra, nó đòi hỏi bạn phải sống theo sự thật của chính bạn (đứng lên vì những gì bạn tin tưởng), thể hiện bản thân một cách rõ ràng và chính xác và khuyến khích người khác làm điều tương tự, chứ không chỉ đơn thuần làm hài lòng người khác trong suốt cuộc đời.
• Asteya (Không trộm cắp – Non-Stealing): Không trộm cắp ở đây không chỉ đề cập đến vật chất mà còn là việc trộm cắp ý tưởng hay những tài sản vô hình khác. Không trộm cắp có nghĩa rõ ràng là không lấy bất cứ thứ gì không phải của mình. Ăn cắp có thể dưới hình thức tiền bạc, vật chất, ý tưởng, thời gian, công sức.
Các hình thức trộm cắp khác có thể là lợi dụng tình huống, không giữ lời, không nỗ lực hết mình, v.v. Trộm cắp cũng được hiểu ở cả mức độ cảm xúc và năng lượng – khi chúng ta đánh cắp sự bình yên hoặc hạnh phúc của ai đó thông qua lời nói, hành động
• Brahmacharya (Không tà dâm – Non-Lust): thực hành này bao gồm việc không quá đắm chìm trong những thú vui giác quan, ví dụ như là sự ham mê quá mức với thú vui thể xác, hay cả với đồ ăn, thức uống, giấc ngủ…Là con người, chúng ta có thể trở nên nghiện những thú vui nhục dục. Việc thực hành Brahmacharya sẽ giúp chúng ta đạt được sự tự chủ và tự nhận thức, từ đó sẽ có được lòng biết ơn và sự hài lòng.
• Aparigraha (Không dính mắc – Non Attachment): Yama này nói về việc sống một cuộc sống không có lòng tham, buông bỏ những ràng buộc và ham muốn vật chất và tinh thần. Chúng ta đang sống trong thời đại của chủ nghĩa vật chất và chúng ta rất dễ bị cuốn theo việc chạy theo và lãng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc và sức lực vào những việc không cần thiết.
Mục đích của Aparigraha là phát triển thói quen không sở hữu hoặc không dính mắc, chúng ta chỉ lấy những gì chúng ta thực sự cần – không nhiều hơn.Không dính mắc cũng được hiểu như không để bản thân ta quá gắn bó cảm xúc với cho con người, hoàn cảnh và kết quả. Aparigraha giúp ta giải phóng nhu cầu kiểm soát, không nuôi dưỡng cảm giác ghen tị, v.v. từ đó đơn giản hóa cuộc sống của mình.
2. Nhánh thứ hai: Niyama (Tuân thủ đạo đức)
Ngược lại với Yama, Niyama là cách bạn đối xử hướng vào bên trong chính bản thân, thái độ của bạn đối với chính mình. Khi các Yama được thực hành, chúng ta sẽ tiến tới Niyama, để giúp chúng ta trau dồi những phẩm chất bên trong và tư duy tích cực, điều cần thiết cho hành trình của chính chúng ta. Niyama cũng bao gồm 5 nguyên tắc: Saucha (Sạch sẽ), Santosha (Sự hài lòng), Tapas (Kỷ luật), Svadhyaya (Tự học), Ishvara Pranidhana (Kết nối với Thần thức)
• Saucha (Sạch sẽ – Cleanliness): Niyama này hướng tới đến sự sạch sẽ cả bên ngoài và bên trong cơ thể chúng ta. Việc thực hành pranayamas (kĩ thuật thở), asana (tư thế), kriyas (thanh tẩy) và thiền định là cần thiết để đạt được sự trong sạch bên trong cơ thể và tâm trí. Đồng thời, hãy luôn ý thức được sự sạch sẽ bên ngoài như không gian bạn đang sống, môi trường xung quanh.
• Santosha (Sự hài lòng – Contentment): Santosha là sự hài lòng và biết ơn những gì chúng ta có trong khi nỗ lực hướng tới những gì chúng ta mong muốn. Với nguyên tắc này, chúng ta sẽ phát triển thói quen biết ơn những thứ chúng ta đã có trong cuộc sống và khi làm như vậy, chúng ta tìm thấy sự hài lòng với hiện tại và ở đây. Santosha là một khái niệm đơn giản về việc giữ vững lập trường, thực hành lòng biết ơn và tìm thấy cảm giác vui vẻ cho mọi thứ như nó vốn có trong hiện tại.
• Tapas (Kỷ luật – Self-discipline): Phát triển kỷ luật tự giác và quyết tâm trong thực hành của một người. Tapas hướng tới tính kỷ luật, tự giác và quyết tâm của chúng ta. Thực hành tính kỷ luật, tự giác để vượt qua những thói quen và khuôn mẫu tiêu cực, kiểm soát các giác quan và ham muốn của mình, từ đó tập trung vào mục tiêu và ước mơ của mình để có thể tiếp tục trưởng thành và phát triển
• Svadhyaya (Tự học- Self-Study): Swadhyaya có nghĩa là tự học hoặc nghiên cứu về bản thân, tự xem xét nội tâm của mình. Thực hành Swadhyaya, bạn đặt những câu hỏi mang tính thử thách, khơi gợi như Tôi là ai? Mục đích của tôi là gì? Tại sao tôi lại suy nghĩ và hành xử như vậy? Từ đó, cho phép bạn hiểu được bản chất thực sự của mình và những khuôn mẫu trong tâm trí bạn.
• Ishvara Pranidhana (Connection with oneself Divine – Kết nối với Thần Thức): Sống với ý thức về Thần Thức của mình. Chắc hẳn bạn đã có những khi đưa ra một quyết định nào đó, bạn có cảm giác như đâu đó sâu thẳm bên trong bạn, có một giọng nói/ suy nghĩ/ cảm giác nói với bạn rằng bạn không nên làm như vậy, hay cần làm một cách khác để tốt hơn. Đó là một trong những khi Thần Thức của bạn đang nói chuyện với bạn. Niyama này khuyến khích chúng ta từ bỏ cảm giác sai lầm về Bản thân và sự kiểm soát. Bằng cách tránh xa cái tôi, chúng ta có thể từ bỏ hành động và việc làm của mình cho một điều gì đó tốt hơn, vĩ đại hơn cho bản thân chúng ta và cho vạn vật xung quanh
Hai nhánh này là nguyên tắc nền tảng của yoga. Yama tập trung vào việc kỉ luật đạo đức, dạy chúng ta cách tương tác hài hòa với thế giới và bản thân. Niyama nhấn mạnh đến việc tuân thủ cá nhân và tính kỷ luật tự giác, nuôi dưỡng những phẩm chất bên trong của chúng ta.
Các Yama và Niyama kết hợp giống như các giới luật đạo đức, nền tảng để chúng ta xây dựng một cuộc sống có mục đích theo yoga. Yama và Niyama như những hạt giống mà từ đó phần còn lại của cuộc hành trình sẽ phát triển, chuẩn bị cho các nhành tiếp theo được bén rễ.
3. Nhánh thứ ba: Asana (Tư thế tập luyện yoga):
Với nền tảng đạo đức và tinh thần vững chắc có được từ hai nhánh đầu tiên, chúng ta bắt tay vào thực hành nhánh thứ ba, Asana. Asana là các tư thế – phần mà chúng ta được cho là quen thuộc nhất trong cuộc sống hiện đại.
Hầu hết chúng ta đều biết tới Asana với tên gọi quen thuộc yoga. Một điều rất thú vị là Asana được Patanjali xếp thứ 3 sau Yama và Niyama. Nghĩa là, trước khi bắt đầu với asana, thì Yama và Niyama cần được thực hiện trước tiên để chuẩn bị cho chúng ta một tâm trí và cơ thể sẵn sàng cho việc luyện tập Asana.
Thực hành asana không phải là một buổi biểu diễn hay một cuộc thi. Mặc dù chúng ta đang trong tư thế với cơ thể bên ngoài, nhưng việc luyện tập lại là hành trình hướng vào bên trong để quan sát bản thân: cảm nhận cơ thể, tâm trí và các kiểu suy nghĩ, các phản ứng của tâm trí tại thời điểm thực hành asana.
Yoga coi cơ thể là phương tiện đưa linh hồn trên hành trình hướng tới sự hợp nhất, việc thực hành asana không chỉ phát triển cơ thể vật lý, mà còn thanh lọc tâm trí của người tập
Nhiều cách giải thích đã được đưa ra, chẳng hạn như asana chỉ là sự chuẩn bị cho cơ thể để thực hành thiền định. Nó sẽ chuẩn bị cho cơ thể ngồi yên trong một thời gian dài. Những người khác cho rằng bản thân asana là một phương pháp thiền định trong đó chúng ta nên tìm thấy sự ổn định, tĩnh lặng và bình tâm trong mỗi tư thế.
Asana không chỉ đơn thuần là về thể lực mà là sự chuẩn bị cho những thực hành sâu hơn tới yoga
4. Nhánh thứ Tư: Pranayama (Kiểm soát hơi thở):
Pranayama được chia thành ‘prana’ và ‘yama’. Về định nghĩa, “Prana” có nghĩa là năng lượng sinh lực, và “yama” có nghĩa là sự điều khiển. Pranayama mang ý nghĩa Kiểm soát & đánh thức hơi thở một cách có ý thức và chủ đích, để giúp tăng cường năng lượng sinh lực có sẵn trong cơ thể.
Khi thở, chúng ta không chỉ hít vào không khí mà còn hít vào cả prana. Vậy sự khác biệt giữa hơi thở bình thường và pranayama là gì? Hơi thở bình thường là một quá trình tự nhiên không cần suy nghĩ hay nhận thức. Không khí đi vào phổi và được thải ra ngoài thông qua sự co bóp một cách thụ động của cơ hoành. Pranayama, một cách khác có thể được hiểu như một kĩ năng, thông qua việc điều khiển hơi thở một cách có ý thức, chúng ta có thể tác động, kiểm soát và mở rộng năng lượng sinh lực (prana) bên trong.
Việc thực hành pranayama chuẩn bị cho chúng ta khả năng nhận thức được những cấp độ tinh tế hơn trong sự tồn tại của chúng ta. Pranayama giúp làm dịu và củng cố tâm trí, đồng thời tạo không gian cho cảm giác nội tại bên trong. Theo Kinh yoga, pranayama là một phương pháp thực hành quan trọng mang lại sự sáng suốt và trí tuệ:
Pranayama theo sau Asana vì cơ thể khỏe mạnh và tư thế vững vàng là điều kiện tiên quyết để kiểm soát hơi thở hiệu quả. Bằng cách điều hòa hơi thở, chúng ta điều khiển năng lượng sinh lực, chuẩn bị tâm trí cho bước tiếp theo của yoga
5. Nhánh thứ Năm: Pratyahara (Thu rút các giác quan)
Mục đích của việc thực hành pratyahara là làm tĩnh lặng tâm trí và cơ thể trước những kích thích bên ngoài.
Pratyahara dịch theo nghĩa đen là ‘thu rút’ các giác quan đang hướng ra bên ngoài về bên trong. Nhưng thực ra chúng ta không thể chủ động đóng các cơ quan cảm giác của mình, để không còn cảm thấy gì. Pratyahara được hiểu là cách thực hành giữ tâm trí tĩnh lặng, không phản ứng với những gì đang xảy ra xung quanh
Pratyahara là sự chuẩn bị quan trong cho các bước tiếp theo: Sự tập trung (dharana) và Thiền định (dhyana). Sau một lúc ngồi im lặng, bạn sẽ nhận thấy có những giây phát thế giới bên ngoài dường như trở nên yên tĩnh hơn bao nhiêu. Đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang đi đúng hướng.
6. Nhánh thứ Sáu: Dharana (Định- Sự tập trung)
Dharana có nghĩa là tập trung vào một điểm, hay sự tập trung. Một khi chúng ta không còn bị các giác quan bên ngoài kéo theo hướng này hay hướng kia nữa, chúng ta có thể tập trung tâm trí vào một vị trí, một đối tượng hoặc một âm thanh
Thực hành Dharana đòi hỏi một tâm trí bình tĩnh và kỷ luật, được phát triển thông qua 5 nhánh trước đó. Sự tập trung trong Dharana là chìa khóa để tiếp cận tới cõi sâu hơn của tâm trí – Thiền định
7. Nhánh thứ Bảy: Dhyana (Thiền định):
Dhyana theo sau Dharana, đại diện cho dòng nhận thức tập trung liên tục. Đây là một tiến trình tự nhiên, vì khi sự tập trung diễn ra sâu, tự khắc sẽ dẫn đến trạng thải của thiền định.
Trong trạng thái của thiền định, tâm trí trở nên tĩnh lặng và ý thức được rằng có rất ít hoặc không có ý nghĩ nào đang diễn ra cả. Tất nhiên, để đạt được tới trạng thái này, chúng ta phải mất nhiều năm luyện tập đều đặn tất cả các chi của Patanjali.
Thiền là cửa ngõ dẫn vào các tầng ý thức sâu thẳm nhất, nơi những hiểu biết và trải nghiệm sâu sắc đang chờ đợi.
8. Nhánh thứ Tám: Samadhi (Hợp nhất hay Giác ngộ):
Samadhi là mục tiêu cuối cùng của yoga, khi chúng ta nhận thức được Bản thân mình và được kết nối với bản chất thực sự của chính chúng ta – tình yêu, niềm vui và sức mạnh. Đây là mục tiêu cuối cùng mà chúng ta tìm cách đạt được trong cuộc sống.
Tám nhánh của Yoga đưa ra cho chúng ta một con đường có hệ thống để phát triển tâm linh và tự nhận thức bản thân. Mỗi nhánh được xây dựng dựa trên nhánh trước, đảm bảo rằng mỗi người thực hành được chuẩn bị tốt cho những trải nghiệm và thách thức nảy sinh trong hành trình của họ. Đó là một quá trình nhấn mạnh sự phát triển dần dần và toàn diện, cuối cùng dẫn đến trạng thái Samadhi.
Việc thực hành yoga không chỉ diễn ra trên tấm thảm, mà cả trong tứng giây phút trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, giúp chúng ta sống cân bằng và trọn vẹn hơn.
Chúc mỗi chúng ta trên con đường thực hành yoga sẽ tìm về được chính bản thân mình.
Thương, ❤️
Chi